Tết Hà Nội: Dấu Ấn Xưa và Nay
Hà Nội, với bề dày lịch sử và văn hóa, luôn nổi bật với những thú chơi tao nhã, đặc biệt là việc chơi hoa Tết. Đây không chỉ là một phong tục truyền thống, mà còn là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong mỗi mái nhà khi Tết đến, Xuân về.
Tết Hà Nội, một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm, không chỉ là thời điểm của sự sum vầy, mà còn là dịp để thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng của thủ đô. Đây là lúc mọi người tạm gác lại những lo toan của cuộc sống và hướng đến một khởi đầu mới với hy vọng về sự may mắn và thành công trong năm tới.
Dù Tết chỉ kéo dài ba ngày, nhưng để chuẩn bị cho dịp lễ này, người ta thường bắt đầu chuẩn bị từ rất sớm. Tết bắt đầu với lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp và kéo dài đến ngày mùng 7 tháng Giêng.
Tết xưa ở Hà Nội nổi bật với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc. Dù cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, người Hà Nội vẫn gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa ấy.
Lễ chùa cầu may – Nét truyền thống của người Hà Nội.
Cầu ước một năm mới vạn sự như ý, sức khỏe cho gia đình bình an, mọi việc hanh thông, thuận lợi vào những ngày đầu năm mới là những điều ai cũng hướng tới. Sau những nghi thức cúng tổ tiên tại nhà, người ta thường đi lễ đền, chùa trong những ngày đầu năm.
Gửi lời ước nguyện đầu năm là phong tục không thể thiếu trong dịp Tết.
Không chỉ đi lễ vào những sáng đầu năm, ngay từ đêm Giao thừa, người ta đã đến chùa làm lễ sớm, với sự tấp nập không kém gì ban ngày. Đó là một nét rất riêng của người Hà Nội từ bao năm nay. Người dân đi đón Giao thừa ngoài đường phố hoặc đón Giao thừa ở nhà xong thì đến chùa lễ Phật. Thời điểm này, các đền, chùa đều mở cửa cho người dân đến hành lễ, dù ngày thường đến cuối giờ chiều không còn đón khách.
Một số đền, chùa lớn tại Hà Nội như: Quán Sứ, Hòe Nhai, Trấn Quốc, Tảo Sách, Vạn Niên, Kim Liên, Tổ đình Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ, Tứ trấn Thăng Long… luôn là điểm tâm linh thu hút đông khách thập phương. Nhiều tuyến đường dẫn tới các chùa lớn còn trong tình trạng nghẽn xe do lượng người đổ về rất đông những ngày đầu năm.

Theo Trưởng Tiểu Ban Quản lý Phủ Tây Hồ Trương Tín Hồi, Phủ Tây Hồ là điểm thu hút đông đảo người dân và du khách đến lễ đầu năm. Tiểu Ban phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh, vệ sinh và hướng dẫn văn minh tại khu vực thờ tự. Công tác tổ chức và quản lý tại Phủ đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và hạn chế tối đa các vấn đề về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Chơi hoa ngày Tết, thú chơi tao nhã
Thú chơi hoa và cây cảnh ngày Tết không những thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mà nó còn mang ý nghĩa sâu sa: “Mùa xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người”. Bởi thế mà vào ngày Tết nhà nhà đều trang hoàng lộng lẫy bằng những chậu hoa cảnh tuyệt đẹp.
Với tiết trời lạnh giá ở miền Bắc, hoa đào không chỉ mang đến không khí ấm cúng đến cho mỗi nhà, mà theo quan niệm phong thủy còn mang đến nhiều may mắn cho gia chủ trong dịp năm mới. Mỗi loài hoa mang một đặc trưng riêng, song đều có chung một ý nghĩa biểu trưng cho sự may mắn, sung túc, bình an, hạnh phúc.

Những ngày cận Tết, khắp các phố phường Hà Nội đâu cũng thấy những chợ hoa, những dãy phố bày bán hoa. Không chỉ có 83 chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tổ chức theo kế hoạch của thành phố, mà có cả hàng trăm chợ hoa tự hình thành trên khắp các phố do thói quen mua sắm của người dân. Có thể kể đến khu vực bán hoa tại chợ hoa Quảng An, chợ hoa đường Âu Cơ, Lạc Long Quân, khu vực chợ Bưởi-Hoàng Hoa Thám, Hàng Lược…
Hàng trăm loài hoa khoe sắc, người mua, người bán tấp nập, ai cũng rạng rỡ, tươi vui bởi họ đều trao và nhận những sắc Xuân để Tết thêm phần tươi đẹp.
Phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm
Người Việt xưa có câu: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” để thể hiện lòng hiếu nghĩa trong những ngày đầu năm.
Vào sáng mùng một Tết, gọi là ngày chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, huynh trưởng. Người lớn thường lì xì con cháu bằng tiền mới trong bao lì xì đỏ, với niềm tin rằng điều này giúp xua đuổi tà ma và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Phong tục lì xì đầu năm không chỉ là nét văn hóa của người Việt mà còn phổ biến ở nhiều nước trong khu vực, mang ý nghĩa chúc phúc và cầu may mắn.

Những lời chúc Tết thường hướng đến điều tốt đẹp, mang ước nguyện về may mắn, sức khỏe, bình an và những điều tốt lành khác. Chúng tạo niềm vui và kỳ vọng cho cả người chúc lẫn người nhận. Ngày Tết, mở đầu cho năm mới, là thời điểm đặc biệt quan trọng, khiến lời chúc Tết trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập chuyên khảo nghiên cứu Việt Nam của Nhà xuất bản Thế giới, cho rằng lời chúc Tết thể hiện tình cảm và ước vọng của mọi người, là động lực để đạt được những điều chưa thực hiện trong năm cũ. Đối với người cao tuổi, lời chúc thường liên quan đến sức khỏe, trong khi người trẻ mong ước về thành công kinh tế và hòa thuận gia đình.
Ngày nay, việc chúc Tết vẫn là một nét văn hóa đẹp ở Hà Nội. Mặc dù không còn tuân theo nghi thức “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” một cách cứng nhắc, nhưng việc giữ lễ nghĩa với ông bà, cha mẹ và thầy cô vẫn được coi trọng.
Coi trọng đạo học trong tục xin chữ đầu năm
Xin chữ và cho chữ vốn là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội dịp đầu năm, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, mong ước thành đạt trong năm mới.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xưa kia, người ta sẽ đến gặp những người có sự tu dưỡng về văn từ, nhất là những nhà khoa bảng để xin nghĩa sau đó mới đem cái nghĩa đó đến nhờ người hay chữ viết hộ.
Thông qua từng con chữ thầy đồ viết tặng, người xin chữ có thêm động lực phấn đấu để hiện thực hóa những ước mơ, dự định cho bản thân và gia đình trong năm mới. Với những ý nghĩa tốt đẹp đó mà không gian cho chữ cũng vì thế mà có phần giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng trang nhã, hoài cổ, không có sự hiện diện của sự xô bồ, ồn ào bên ngoài, để từ người cho chữ hay xin chữ cảm thấy tâm thanh thản, nhẹ nhàng, lúc đó con người ta quay về với cái thiện, về cội nguồn dân tộc.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Thuyết thuộc Câu lạc bộ Thư họa UNESCO thành phố Hà Nội, là một người gắn bó với thư pháp từ lâu. Cứ mỗi dịp đầu xuân, ông thường cho chữ những người đến xin chữ thông qua các bức thư pháp, vừa mang ý nghĩa tốt đẹp, vừa mang tính thẩm mỹ. Ông cho biết hiện nay, rất nhiều người coi trọng đạo học nên thường xin chữ về treo lấy may mắn.
Hằng năm, Hội chữ Xuân Hà Nội thường diễn ra tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu cho chữ và xin chữ của người dân. Các ông đồ tham gia hội chữ mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.
Hội chữ Xuân được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô.
Nguồn: Báo Nhân Dân