Thứ bảy, 19/04/2025

Những bát ‘phở treo’ nghĩa tình Hà Nội – hương vị của sự tử tế

Những ngày qua, một quán phở nằm trên phố Báo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được rất nhiều sự quan tâm về hình thức “phở treo” đầy ý nghĩa, mang đậm tinh thần sẻ chia. 

Theo đó, phở “treo” là một hình thức từ thiện bằng cách khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán để dành những người thực sự cần hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Được biết, mô hình phở “treo” của quán đã được triển khai hơn một tháng nay. Để có số lượng suất phở ổn định, mỗi ngày quán sẽ tự treo 30 bát. Số tiền sẽ được trích từ phần trăm doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm thì sẽ bắt đầu “treo” từ số 31.

Chị Nguyễn Thị Cát Lệ, chủ quán phở, chia sẻ: “Mỗi ngày, quán tôi đều chuẩn bị sẵn 30 bát phở để tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Khách hàng đến quán ăn có thể tự nguyện đóng góp thêm tiền để “treo” những bát phở tiếp theo. Số tiền quyên góp sẽ được dùng để mua nguyên liệu nấu thêm nhiều bát phở nữa”.

Có ý tưởng từ café “treo” dành cho người khó khăn ở Italy trong đại dịch COVID-19, và vài mô hình cơm “treo” ở TP. Hồ Chí Minh, hơn 1 tháng nay, chị Lệ cùng gia đình quyết định làm phở “treo” ngay giữa phố cổ Hà Nội. Chị mong muốn tạo ra một không gian ấm áp, nơi mọi người có thể sẻ chia yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Chị Cát Lệ, người khởi xướng mô hình phở “treo”

Bát “phở treo” tại quán chị Lệ thường có phần lớn hơn so với bát phở thông thường, vì theo chị, những người lao động cần nhiều năng lượng hơn. Số bát “phở treo” chưa được sử dụng sẽ được cộng dồn vào những ngày tiếp theo.

Những bát phở “treo” luôn nhiều bánh, nhiều thịt, đảm bảo dinh dưỡng cho người khó khăn.

“Tôi rất vui khi thấy nhiều người hưởng ứng và tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Đây không chỉ là một cách để giúp đỡ những người khó khăn mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau lan tỏa yêu thương”, chị Lệ chia sẻ thêm.

Cho đi để nhận lại được nhiều hơn, số bát phở treo cứ thế mà tăng lên mỗi ngày.

Tình cờ đi ngang qua và tò mò với tên gọi của quán, vợ chồng chị Hà quyết định vào tìm hiểu. Được chủ quán giải thích về ý nghĩa, cách thức, vợ chồng chị xin được treo thêm 2 bát phở lên bảng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: “Mình hy vọng, mô hình này được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành, không chỉ phở mà cơm, bún, bánh mì “treo” để giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn nữa. Tuy là hành động nhỏ bé nhưng lại giúp những người khó khăn có sức lao động cả ngày”.

Chị Lệ nhiệt tình giúp bà Ngoạt để phở “treo” vào trong lồng xe

Bà Ngoạt cho biết thêm, mặc dù đã nhiều lần được chủ quán giải thích nhưng bà vẫn cảm thấy ngại mỗi khi đến đây ăn phở treo. “Thỉnh thoảng vào ăn phở thôi, chứ ngày nào cũng vào ăn ngại lắm. Nay cô chủ quán bảo còn nhiều suất nên tôi xin thêm vài suất mang về cho các cháu nhỏ và ông xã”, bà Ngoạt chia sẻ.

Anh Dũng (bên trái) cùng một người bạn đến ăn phở “treo”

Là một trong những vị khách thường xuyên đến ăn phở “treo” trong thời gian gần đây, anh Trần Anh Dũng (SN 1991) cho biết: “Khoảng 2 tuần trước, tôi đang bới rác gần đây thì có một anh bảo vệ đến dắt tay mình và bảo đưa đi ăn phở treo. Lúc đó, tôi không biết phở “treo” là gì cả, bản thân thì không có tiền nên rất hoảng sợ, lo lắng. Lo vì sợ họ sẽ lấy tiền”.

Thế nhưng, khi đến quán phở “treo” của chị Lệ, anh Dũng được mọi người giải thích về mô hình phở “treo”, người ăn sẽ không phải trả tiền, lúc đó chàng trai này mới yên tâm ngồi xuống ăn.

Anh Dũng chia sẻ, anh thường nhặt rác, vỏ chai nhựa ở quanh khu vực Hồ Gươm để mưu sinh, nhưng công việc này chỉ giúp anh đổi lại kiếm được 20-30 nghìn đồng/ngày. Với mức thu nhập như vậy, anh chẳng dám nghĩ đến việc vào quán ngồi ăn phở.

Bát đựng phở “treo” (bên trái) và tô phở thông thường (bên phải)

Lý giải về điều này, chị Cát Lệ mỉm cười nói: “Đúng là bát phở “treo” khác bát phở bình thường. Bát phở chúng tôi bán cho khách vẫn giữ nguyên như thường ngày, còn chiếc bát đựng phở dành cho khách ăn phở “treo” được chúng tôi đặt riêng. Chiếc bát to hơn, chúng tôi sẽ cho nhiều phở và thịt hơn.

Bởi vì, đa phần các cô, chú đến ăn phở “treo” đều là những người lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người gần trưa mới đến ăn vì họ muốn gộp hai bữa sáng và trưa thành một. Tôi cũng khuyên họ đói thì cứ đến ăn, nhưng họ ngại, họ chỉ đến ăn một bữa.

Chính vì điều này nên chúng tôi quyết định đặt riêng những chiếc bát to hơn để dành cho khách ăn phở “treo”, để họ được ăn no bụng.

Tôi nghĩ đây cũng là điều mà những người phát tâm mong muốn khi “treo” những suất phở tại quán để dành tặng cho những người thực sự cần”.

Chị Lệ mong muốn hành động của mình sẽ lan tỏa đến nhiều cửa hàng khác, để có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.

Nguồn: Tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *