Thứ bảy, 19/04/2025

Nghệ Thuật Ca Trù xưa của người Hà Nội: Bản hòa tấu văn hóa truyền thống.

Âm nhạc xưa của người Hà Nội là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa phong phú của Thủ đô. Những giai điệu truyền thống không chỉ mang âm hưởng của lịch sử mà còn chứa đựng tâm hồn và bản sắc dân tộc. Thể loại âm nhạc như ca trù đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Ca trù là một trong những di sản văn hóa quý giá của Việt Nam, nổi bật với sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca và nghệ thuật biểu diễn. Được hình thành từ thế kỷ XV, ca trù không chỉ thể hiện sâu sắc tâm tư, tình cảm của người dân mà còn phản ánh văn hóa lịch sử của miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

Hà Nội từ xưa đã thực sự là một trung tâm ca trù, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo và phong phú. Với tư cách là tổ quê của ca trù, Hà Nội đã ghi nhận những tài liệu quan trọng từ thế kỷ XV, minh chứng cho sự phát triển và quy mô của các tổ chức giáo phường ca trù. Những bản văn bia cổ tại các đình, đền đã phản ánh rõ nét đời sống sinh hoạt ca trù, cho thấy sự quan trọng của nó trong văn hóa cộng đồng.

Nhóm ca trù của CLB Ca trù Hà Nội với không gian hát cửa đình. (Ảnh: TTXVN)

Các nhạc cụ như sênh, phách, và đàn đáy không chỉ được sử dụng trong biểu diễn mà còn được khắc họa trên các bức chạm trổ, cho thấy ca trù đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân. Vào dịp lễ tết, các giáo phường tổ chức các cuộc thi ca hát, tạo cơ hội cho những cô đào tài năng biểu diễn, mang đến những trải nghiệm nghệ thuật phong phú cho khán giả. Những hoạt động này không chỉ tôn vinh nghệ thuật ca trù mà còn gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần yêu thích cái đẹp và sự sáng tạo trong văn hóa Việt Nam.

Đối với Hà Nội, Ca trù được coi là “đặc sản” văn hóa trong lòng phố cổ. Ngay cả khi, Ca trù đối mặt với nguy cơ rơi vào quên lãng thì ở Hà Nội – loại hình nghệ thuật diễn xướng này vẫn mạnh mẽ tồn tại, tiếng hát, tiếng đàn đáy, nhịp phách sênh ngân lên bất chấp nhịp sống hối hả bên ngoài. 

Hà Nội là địa phương có số lượng nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, trong đó có nghệ thuật trình diễn Ca trù. Số lượng nghệ nhân qua 3 lần phong tặng năm 2015, 2019, 2022 có 32 nghệ nhân Ca trù (8 Nghệ nhân Nhân dân và 24 Nghệ nhân Ưu tú). Họ là những người chủ nhiệm, những thành viên của các CLB yêu ca trù và mong mỏi gìn giữ nghệ thuật quý báu của dân tộc. 

CLB ca trù Thăng Long – “Viên ngọc quý” giữa lòng phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Tin tức du lịch trực tuyến)

Lượng khách đến ngôi đền Quan Đế cổ kính, nhuộm màu thời gian ở 28 Hàng Buồm để thưởng thức 1 canh hát do CLB Ca trù Thăng Long tổ chức, chủ yếu là các khán giả người nước ngoài, sau mỗi buổi biểu diễn, họ đều nấn ná chưa muốn về ngay. Ai cũng chờ để được gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tò mò muốn tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Việt. Sau tất cả, họ chụp lại vài “pô” ảnh để ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp và kỷ niệm khó phai với các nghệ sỹ.

Việc truyền dạy của các CLB Ca trù trên địa bàn TP vẫn diễn ra định kỳ hàng tháng tại các nhà văn hóa địa phương, di tích lịch sử văn hóa hoặc tại nhà của một trong số các thành viên của CLB.

Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, do điều kiện kinh tế không cho phép, nhu cầu xã hội giảm sút dẫn đến tình trạng một số CLB hoạt động không thực sự hiệu quả, quy mô cũng hạn chế. Nhóm ca trù của nghệ nhân, NSƯT Phó Thị Kim Đức hiện nay vẫn chỉ truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình…

Mặt khác, nhiều nghệ nhân do tuổi cao sức yếu đã qua đời, các nghệ nhân còn lại đều đã cao tuổi, sức yếu, khả năng truyền nghề không còn được như trước. Lượng khán giả quan tâm, yêu thích hát Ca trù tuy có tăng lên so với giai đoạn 2014 – 2017, song hát Ca trù vẫn tiếp tục phải đối đầu với nền âm nhạc hiện đại, văn hóa du nhập từ nước ngoài và do đặc thù nghệ thuật này quá uyên thâm, bác học nên số người hiểu, người nghe và người thích là rất khiêm tốn….

Trong những năm tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát ca trù, với mục tiêu xây dựng một lộ trình dài hạn và bền vững. Các hoạt động này không chỉ tập trung vào việc bảo tồn mà còn mở rộng giới thiệu nghệ thuật ca trù qua các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch, tạo cơ hội cho du khách và người dân tiếp cận với di sản văn hóa độc đáo này.

Bên cạnh đó, việc phổ biến thông tin về nguy cơ mai một của ca trù qua các phương tiện truyền thông sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng và khuyến khích sự tham gia của mọi người trong công tác bảo tồn. 

Với những nỗ lực này, hy vọng ca trù sẽ sớm được đưa ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của UNESCO. Sự hồi sinh và phát triển bền vững của ca trù không chỉ góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc dân tộc mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tháng 10 năm 2009, nghệ thuật Ca trù Việt Nam vinh dự khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, do đó mà sứ mệnh quảng bá, lưu truyền loại hình diễn xướng này cần được chú trọng hơn bao hết. Trước những thách thức Ca trù có thể bị mai một dần theo thời gian, ca nương Nguyễn Thùy Chi (24 tuổi) mong mỏi: “Cần thêm nhiều đề án để đưa Ca trù đến gần hơn nữa đến với nhiều đối tượng người nghe, đặc biệt là những khán giả trẻ, sinh viên, học sinh để họ có thể cảm nhận, tìm hiểu bộ môn này, biết đâu nhờ sự tiếp cận này sẽ ươm mầm cho nhiều tình yêu âm nhạc dân tộc và sẽ thật đáng quý khi có người bỏ công sức ra học tập để gìn giữ và phát triển Ca trù”.

Nguồn: Tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *